Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Thầy dạy Địa lý của tôi

Thầy Trần Dũng Thắng năm 2010.
Mai Hà Khoa
Bây giờ kể lại một cách rành rọt về những gì mà thầy dạy Địa lý của lớp tôi đã làm để thuyết phục chúng tôi say mê môn học này quả là khó, bởi đã qua chuỗi dài thời gian, lại thêm tuổi tác ngày càng cao, nên dẫu là những ấn tượng khó quên, vẫn có thể vơi mòn theo năm thắng. Tuy vậy, hình ảnh thầy và những tiết giảng đầy hấp dẫn của thầy vẫn còn đậm nét trong tâm trí tôi.
Thầy là người tầm thước, bấy giờ chỉ dưới bốn mươi tuổi, y phục không có gì đặc biệt so với các thầy khác, cũng quần ka ki màu xi măng, áo sơ mi màu trắng hoặc màu xanh nước biển, dép cao su… Nét đặc trung của thầy là tóc cắt ngắn gần như húi cua, tác phong nhanh nhẹn, hóm hỉnh. Hơn tất cả là thầy có tấm lòng chân thành, yêu mến học sinh như là người anh cả đối với đàn em nhỏ. Hình thức bề ngoài và tấm lòng ấy đủ gây cảm tình ngay từ những tiết giảng đầu tiên của thầy đối với chúng tôi.
Tuy nhiên, sự thuyết phục tuyệt đối về môn Địa lý đối với chúng tôi là ở nội dung và cách giảng của thầy. Bản đồ thường là thứ giáo cụ trực quan có ưu thế của môn Địa lý, nhưng không phải ở mọi bài giảng, thầy đều dùng hoặc chỉ dùng bản đồ, mà tùy từng bài giảng cụ thể thầy kết hợp thực hiện các phương án phù hợp, hiệu quả, trong đó có phương pháp phát vấn học sinh tại giờ lên lớp. Bây giờ nghĩ lại mới thấy cách này làm cho bài giảng năng động, phát huy trí tuệ học trò và mang “tinh thần dân chủ” trong giảng dạy biết bao! Thật ra, đây không phải là phương pháp riêng của thầy, mà là một phương pháp đã được đúc kết trong lý thuyết của quá trình lên lớp. Vấn đề là thầy biết sử dụng phương pháp ấy một cách khéo léo và hiệu quả, nếu không dễ bị “cháy giáo án” và yêu cầu truyền đạt nội dung bài giảng không đáp ứng được. Tôi nhớ mãi tiết giảng của thầy về “Các vùng kinh tế Việt Nam” thuộc chương trình lớp 10 phổ thông (hệ 10 năm). Bắt đầu vào tiết học , thầy hỏi: “Đồng chí nào quê ở vùng Đông Bắc nước ta?”.  Thìn đứng dậy: “Thưa thầy, em ở Hồng Quảng (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay) ạ!”. Thầy: “Đề nghị đồng chí kể xem, quê đồng chí có những tài nguyên, sản vật gì?”. Thìn kể một hồi đủ mọi thứ, từ mỏ than, núi đá vôi, cảnh quan biển bao la hùng vĩ, đến ngành chăn nuôi gia súc có sừng, đặc biệt là dê, v.v. Thìn không quên nói thêm là quê mình còn có cả nghề vớt rong rêu biển, làm cho cả lớp được một trận cười rôm rả. Thầy mỉm cười: “Đồng chí Thìn nói rất đúng, tại sao các đồng chí cười?”. Thầy giảng giải: “Đúng vậy, Hồng Quảng nằm ở vùng Đông Bắc nước ta còn nhiều tài nguyên và sản vật hơn thế nữa ấy chứ, phải đâu chỉ có những thứ mà đồng chí Thìn đã kể!”. Rồi thầy hạ giọng: “Song, ở một bài Địa lý kinh tế, chúng ta chỉ nêu những tài nguyên và sản vật chính mà thôi!”. Chúng tôi ghie theo lời đọc chậmvaf rõ của thầy: “Vùng kinh tế Đông Bắc Việt Nam có nhiều than đá, núi đá vôi và giàu tiềm năng kinh tế biển”.
Cứ như thế, thầy kết hợp khéo léo giữa sự trình bày, giảng giải của mình với trả lời phát vấn của trò để “đi” hết vùng kinh tế này đến vùng kinh tế khác của đất nước. Vùng kinh tế cuối cùng trong tiết giảng là đồng bằng sông Cửu Long. Lộc người Nam Bộ được thầy phát vấn, đứng lên trình bày đầy sôi nổi và thiết tha về vùng kinh tế quê anh. Lộc vẽ ra trước mắt chúng tôi bức tranh của một vùng kinh tế phì nhiêu với những đồng lúa thẳng cánh cò bay, kênh rạch, đầm lầy đầy tôm cá… Thầy giảng giải thêm, rồi kết luận: “Đồng bằng sông Cửu Long, còn gọi là đồng bằng Nam Bộ, là một vùng kinh tế được thiên nhiên ưu đãi, đó là vùng kinh tế trời đầy chim, nước đầy cá, đồng đầy lúa“. Chỉ chín chữ kết luận đó của thầy đủ để chúng tôi thuộc bài về một vùng kinh tế giàu có từ phương Nam Tổ quốc, còn đang thuộc quyền quản lý của “phía bên kia”. Thầy đưa ra một liên hệ rất khéo léo và tế nhị để kết thúc bài giảng (thường hay có trong một bài giảng thuộc các môn học xã hội) bắt đầu bằng một câu hỏi đầy vẻ thân tình: “Đồng chí Lộc ơi! Bao giờ thì thầy trò ta sẽ được vào trong ấy để ăn thịt chim nước, ăn cá lóc nấu chua và ăn cơm thổi từ gạo nàng thơm?”. Lộc đáp lời thầy bằng một câu nhanh gọn như đã được chuẩn bị sẵn: “Dạ, thưa thầy, đến ngày thống nhất ạ!”. Thầy: “Đúng vậy, ngày thống nhất! Mỗi chúng ta phải làm gì cho ngày ấy sớm đến?”. Tôi vội liếc nhìn khắp lượt mọi người, không chỉ các bạn Nam Bộ, các bạn miền Nam, mà cả lớp tôi: đôi mắt mỗi người đều ánh lên kỳ lạ như thầm nói điều gì sau câu hỏi của thầy.
Về sau này, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng ác liệt, tôi biết rõ rằng, nhiều bạn lớp tôi, trong đó có cả Lộc đã lên đường vào Nam tham gia chiến đấu và có người đã ngã xuống giữa vùng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trong làn đạn của kẻ thù. Tôi hiểu, các bạn ấy đã mang theo hành trang của mình câu hỏi của thầy: “Mỗi chúng ta phải làm gì cho ngày thống nhất sớm đến?“.
Bài giảng Các vùng kinh tế Việt Nam chỉ là một trong tất cả các bài giảng Địa lý mà thầy đã thuyết phục chúng tôi, đến mức hàng tuần cứ khấp khởi mong đến tiết học Địa lý của thầy.
Thầy Trần Dũng Thắng tuy tuổi đã cao nhưng vẫn khỏe mạnh với nghề châm cứu tại TP. HCM. Ảnh: Đào Ngọc Minh
Thầy dạy Địa lý lớp tôi là vậy đó – thầy Trần Dũng Thắng, nguyên giáo viên Địa lý Trường Bổ túc văn hóa Công – nông Trung ương. Đã qua 43 năm trời ròng rã, tôi chưa từng một lần được gặp lại thầy. Được biết từ ngày nghỉ hưu, thầy làm nghề y chữa bệnh cứu người tại TP. Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ, không biết kiến thức Địa lý học có giúp thầy ít nhiều trong công việc chữa bệnh cứu người hiện nay hay không, song tấm lòng thương người, thái độ niềm nở, tác phong nhanh nhẹn của thầy chắc chắn sẽ góp phần giúp thầy cứu được nhiều người qua khỏi những căn bệnh hiểm nghèo.
(Thế giới Mới, số 899, ngày 30/8/2010, trang 12-13).

1 nhận xét: